Từ trái qua phải: các nữ chiến binh Raparin, Roza và Deijly. (Ảnh: Daily Mail)
Họ chiến đấu vì điều gì? Mục đích của họ là sao? Thực ra nguyên nhân rất đơn giản, những chiến binh này đồng cảm sâu sắc đối với những người phụ nữ dân tộc Yazidi tại vùng núi Sinjar (Iraq), vốn bị IS sát hại không thương tiếc.
Roza, nữ chiến binh trẻ tuổi nhất trong nhóm (22 tuổi) chia sẻ: “Khi được biết IS đã đến Sinjar và giết hại nhiều phụ nữ ở đây, chúng tôi quyết định lên đường ngăn chặn đổ máu”.
Vận một bộ quân phục ngụy trang, tay cầm súng AK-47 và đeo tới 6 quả lựu đạn, Roza miêu tả những gì đã xảy ra với người Yazidi là một “tội ác chống lại nhân loại”. Cô gái trẻ bùi ngùi thương cảm: “Khi IS đến, chúng bắt phụ nữ Yazidi phải làm nô lệ (tình dục)”.
Những phụ nữ Yazidi từng bị IS bắt làm nô lệ tình dục được Đảng Công nhân người Kurd (PKK) giải thoát hồi tháng 4. (Ảnh: Daily Mail)
Thảm kịch xảy ra với người Yazidi vào tháng 8 năm ngoái, khi IS tấn công vào các ngôi làng và cướp bóc tất cả. Được vũ trang đầy đủ, chúng bắt giữ tất cả từ đàn ông, phụ nữ cho tới những em nhỏ. Sau đó, họ bị bắt phải chia thành 2 nhóm riêng biệt: đàn ông một bên trong khi phụ nữ và trẻ em ở bên còn lại.
Cánh đàn ông bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, cam kết trung thành với đạo Hồi. Bất cứ ai từ chối đều bị đưa lên xe tải và chở đến những cánh đồng ở quanh làng, tự đào mộ cho mình trước khi phải quỳ xuống và bị hạ sát bởi 1 phát súng vào đầu.
Trong khi đó, số phận của phụ nữ và em gái vị thành niên cũng không có gì khá khẩm hơn. Họ bị đưa tới các thành phố như Mosul và Raqqa, bị trao tay như những món hàng rồi bị biến thành nô lệ tình dục.
Giờ đây, Sinjar giống như một "thị trấn ma" sau khi bị IS tàn phá và những cuộc không kích của liên quân. (Ảnh: Daily Mail)
Thủ lĩnh của nhóm nữ chiến binh, Deijly (29 tuổi) tâm sự rằng, cô nghe tin IS tàn sát người Yazidi trên ngọn núi Sinjar khoảng 4 ngày trước khi Mỹ và liên quân thực hiện chiến dịch không kích ngày 3/8.
Sau đó, ngày 5/8, Deijly dẫn đầu nhóm của mình nhập cảnh trái phép vào vùng Kurdistan, miền Bắc Iraq. Cô cũng kể lại rằng, những nạn nhân người Yazidi không hề có khả năng tự vệ, trong khi quân đội chính phủ ở khu vực Kurdistan đã rút lui. Theo Deijly, đó là một bi kịch thật sự với khoảng 40.000 người bị mắc kẹt trên núi lúc đó vốn đang bị thiếu nước uống và thức ăn. Thậm chí, một số trẻ nhỏ đã thiệt mạng.
Thủ lĩnh Deijly tuyên bố sẽ chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. (Ảnh: Daily Mail)
“Đó là một hành trình khó khăn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chúng tôi đến, cái nóng thiêu đốt da thịt” – Raparin (26 tuổi), thành viên thứ 3 của nhóm, kể lại những diễn biến đầu tiên khi họ đến chiến trường. “Đôi lúc, chúng tôi giết được khoảng 10 tay súng IS một ngày”, Raparin tự hào kể tiếp.
Tận dụng những cuộc không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu, cùng với sự trợ giúp của lực lượng người Kurd, nhóm chiến binh này đang bảo vệ một hành lang để những người Yazidi có thể di chuyển sang lãnh thổ của Syria.
Cả 3 cô gái đều đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và là thành viên PKK. (Ảnh: Daily Mail)
Được biết, cả 3 cô gái đều là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Mỹ, NATO và Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, PKK đang giúp xây dựng Đơn vị Bảo vệ Sinjar gồm các thành viên là nam giới và nữ giới người Yazidi.
Nhóm chiến binh nhấn mạnh sẽ chiến đấu cho tới hơi thở cuối cùng để ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. “Chặt đầu là hành vi man rợ nhất thế giới. Trong chiến tranh, người ta có thể đánh lẫn nhau, nhưng họ không bao giờ làm những điều như thế. Tôi không nghĩ rằng hành động này được chấp nhận trong bất kỳ tôn giáo nào”, Roza liên hệ tới những vụ hành quyết của IS.
Roza (22 tuổi) là chiến binh trẻ nhất trong nhóm. (Ảnh: Daily Mail)
Bên cạnh đó, Raparin cũng tiết lộ IS mạnh về tuyên truyền nhiều hơn là năng lực chiến đấu. “Mọi người đang lo lắng về IS, nhưng chúng không hề mạnh mẽ và sẽ không thể tiếp tục chống lại được PKK”. Cô cũng cho biết: trong số những tay súng bị tiêu diệt, nhiều kẻ phải dùng đến chất kích thích và ma túy để lấy can đảm chiến đấu.
Mặc dù tổ chức khủng bố nổi tiếng với việc chặt đầu tù nhân và cưỡng hiếp phụ nữ, các nữ chiến binh Thổ Nhĩ Kỳ này không hề tỏ ra sợ hãi. Nắm chặt súng trường trong tay, Raparin hùng hồn tuyên bố: “Tôi không tin rằng chúng có thể bắt được mình. Nếu bị bắt, tôi thà tự sát còn hơn bị chúng hành hạ”.
Nhóm nữ chiến binh tự nguyện chiến đấu chống lại IS để ngăn chặn việc chúng sát hại và biến phụ nữ Yazidi thành nô lệ tình dục. (Ảnh: Daily Mail)
Trong khi đó, Deijly nhún vai và cho biết thêm: “Ai trong số chúng tôi cũng sẽ làm như thế. Một số đồng đội của tôi đã tự sát trước khi IS có thể bắt được họ. Rất nhiều bạn bè tôi đã hy sinh”.
Nhóm chiến binh khẳng định rằng những tay súng IS sợ những người phụ nữ tiêu diệt, vì chúng tin rằng sẽ không thể lên được thiên đường sau khi chết. Roza nói với một nụ cười mỉa mai: “Khi thấy phụ nữ trên mặt trận, chúng liền nhanh chân bỏ chạy”. Deijly châm chọc thêm: “Tôi đã tiêu diệt rất nhiều tên, và chắc chắn tất cả bọn chúng sẽ không thể tìm thấy phần thưởng của mình ở trên thiên đường đâu”.
Hồng Anh
Nguồn bài viết : TK theo thứ